Nhắc tới những món ăn được lựa chọn nhiều nhất vào những lúc thời gian gấp gáp, eo hẹp, chắc chắn nhiều người nghĩ ngay tới mì ăn liền. Vì chỉ với vài phút là bạn đã có một bữa ăn, sau khi ăn lại không phải dọn rửa quá nhiều. Đúng là rất tiết kiệm thời gian, nhanh chóng với những người quá bận rộn.
Thế nhưng, có người chỉ cần nghe tên gọi của món ăn này thôi là đã thốt lên “ôi ăn mì nóng lắm, không đủ dinh dưỡng đâu…”. Cũng chính bởi quan niệm này mà nhiều người dù thích ăn những vẫn hạn chế sử dụng hoặc chỉ dùng khi bận rộn.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mì ăn liền được làm từ thành phần chính là bột lúa mì, và các thành phần trong gói gia vị như rau, củ sấy các loại, bột nêm, dầu tinh luyện, tôm, thịt gà, thịt heo sấy…. Với những nguyên liệu này, mì ăn liền được xếp vào nhóm thực phẩm thuộc nhóm ngũ cốc như bún, phở… nên mọi người hoàn toàn có thể thêm vào chế độ ăn của mình, miễn sao đảm bảo cân bằng về dinh dưỡng .
Thực tế, thực phẩm không phải là nguyên nhân gây nóng cho cơ thể. Cơ thể mỗi người không giống nhau, có người thể hàn (mát) cũng có người thể nhiệt (nóng), nên khi ăn các thực phẩm sẽ có những cảm nhận khác nhau. Hơn nữa, cảm giác “nóng” sau khi ăn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm thể trạng, tình trạng chuyển hóa và bệnh tật của mỗi người, cũng như thành phần dinh dưỡng của thực phẩm.
Chuyện ăn uống nên phù hợp với cơ thể mỗi người và quan trọng nhất là phải cân bằng. Nếu biết kết hợp thực phẩm đúng cách, mì ăn liền cũng có thể trở thành một món ăn ngon, dinh dưỡng và bạn có thể ăn ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày.